“Với mức giá chênh lệch đáng kể, liệu 125cc khác gì so với 150cc?” Đây là câu hỏi không ít người thắc mắc khi chọn mua dòng xe Brixton. Để giải đáp câu hỏi chung trên, 147 sẽ đem 2 dòng ra xếp kế bên nhau để mổ xẽ, soi xét cặn kẽ để đưa ra đáp án cuối cùng, đâu là nhóm khách hàng mà 2 dòng xe trên hướng tới.
Brixton 125 hay 150? Ảnh: Brixton Sài Gòn.
1. Ngoại hình
Đa phần các dòng xe khi được nâng cấp phân khối thì ngoại hình cũng được tân trang để “đẳng cấp” hơn, hầm hố, đô con hơn để tương xứng với số tiền mà người mua phải bỏ thêm. Song, hãng Brixton lại quyết định bưng y nguyên thiết kế của dòng 125 lên trên 150. Có chăng thay đổi là ở phần tem ở bên ốp hông như hình bên dưới. Có lẽ động thái này là học theo người đồng hương nước Áo là KTM khi dòng Duke và RC của hãng này cũng chỉ khác nhau ở con số trên dàn áo (125, 200, 250, 390).
Cả cấu trúc khung sườn cho tới những tính năng tiện lợi như cổng sạc usb, công tắc đèn, đề đều được giữ nguyên.
Khác biệt giữa Brixton 125 (trên) và 150 (dưới) nằm ở ốp hông. Ảnh: Brixton Sài Gòn.
2. Cấu tạo
Gần như cấu tạo bên trong của 2 dòng là như nhau, tuy nhiên khác biệt ở đây nằm ở ECU và họng ga. Nhờ vào 2 món phụ tùng trên mà hiệu năng của 150cc được cải thiện.
Thông số cụ thể của 2 dòng như sau:
+ 125cc cho ra công suất cực đại 11.1hp tại 8500rpm / momen xoắn cực đại 11.4 N.m tại 7000rpm
+ 150cc cho ra công suất cực đại 11.7hp tại 8000rpm / momen xoắn cực đại 11.9 N.m tại 6000rpm
Dựa vào thông số trên, ta có thể thấy Brixton 150cc có gia tốc cực đại và tốc độ tối đa nhỉnh hơn 125cc không bao nhiêu, song việc đạt được những con số trên ở dãi vòng tua thấp hơn giúp 150cc có thể bứt tốc và vượt xe dễ dàng hơn 125cc. Tuy nhiên lý thuyết vẫn chỉ là lý thuyết. Chúng ta cần phải trải nghiệm thực tế để có thể đánh giá chính xác cả 2 dòng.
3. Cảm nhận thực tế
147 thử nghiệm trực tiếp trên 2 mẫu Classic 150 và 125. Ngay khi đặt mông lên yên thì cả 2 chiếc chẳng khác gì nhau do cấu tạo vẻ ngoài là tương đương. Vào số 1, bắt đầu xuất phát thì bất ngờ thay, khả năng tăng tốc từ 0-60km/h của cả 2 chiếc xe chẳng hề chênh lệch. Nếu như không nhìn dàn áo của xe thì cũng không thể biết được là mình đang lái 125 hay 150. Nhưng sau dãy tốc độ 0 tới 60km/h thì là câu chuyện khác.
Brixton 125 thân thiện với đường phố. Ảnh minh họa.
Từ 60km/h trở đi, 150 nhẹ nhàng tăng tốc lên 80km/h và thậm chí, chiếc xe còn cho mình cảm giác rằng nó vẫn có thể lên được nữa. Trong khi đó thì 125 đã có dấu hiệu chùn chân khi đồng hồ báo tốc độ chậm chạp tiến tới con số 80.
Nói thế không phải là 125 yếu do xe vẫn có khả năng đạt được tốc độ cao hơn… dù có phần cực nhọc hơn 150.
Trên đường thẳng, sức mạnh Brixton 125 và 150 là tương đương. Ảnh minh họa.
4. Lời kết
Với gia tốc vượt trội ở dãy tua đầu, dòng 150 thích hợp do những bạn thường vi vu trên cung đường xa, nhiều đèo, dốc hay muốn vượt xe trên cao tốc nhanh chóng, an toàn. Trong khi đó, nếu tốc độ không phải thứ bạn tìm kiếm mà bạn chỉ muốn có một chiếc xe đi hằng ngày, lâu lâu mang đi café với bạn bè hoặc “lấy le” với mọi người thì tội gì không tới với 125 tiết kiệm và thiết thực.
Hãy chọn Brixton 150 nếu bạn muốn chinh phục các con dốc. Ảnh minh họa.